Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng hoa chúc mừng Hội đồng trường Trường Đại học Công đoàn (nguồn: https://nld.com.vn).
Bản chất pháp lý của hội đồng trường trong các trường đại học công lập theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học
Trên thế giới, việc quản trị giáo dục đại học (GDĐH) trong trường đại học (TĐH) thông qua thiết chế hội đồng trường (HĐT) khá phổ biến, dù ở các nước phát triển, đang phát triển hay các nước có nền kinh tế chuyển đổi. Ở Việt Nam, thiết chế HĐT được quy định rõ tại khoản 1 Điều 16 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (sau đây viết tắt là Luật GDĐH năm 2018): “Hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan”. Luật GDĐH năm 2018 đã thể hiện sự thay đổi đáng kể khi quan niệm TĐH là tổ chức liên quan đến quyền lợi của nhiều bên, như của chính TĐH, người học, các chủ thể quản lý nhà nước về GDĐH và các bên liên quan khác.
Đối với các trường đại học công lập (TĐHCL), HĐT chỉ thực sự trở thành thiết chế có thể làm thay đổi căn bản chất lượng, hiệu quả quản trị GDĐH khi các vấn đề pháp lý về HĐT một mặt, được quy định rõ ràng trong Luật; mặt khác, quá trình hiện thực hoá quy định đó phải được hiện hữu một cách thực chất, đầy đủ, sâu sắc trong hành động thực tế của mọi cấp quản lý, mọi thành viên nhà trường. Nó đánh dấu sự thay đổi lớn về văn hóa tổ chức cũng như năng lực vận hành và quản lý hoạt động giáo dục của chính TĐHCL cũng như cơ quan nhà nước. Có như vậy mới loại bỏ hoàn toàn thực trạng “mờ nhạt” cả về năng lực lẫn hiệu quả hoạt động của HĐT như thời gian qua.
Thực tế cho thấy, từ khi Luật GDĐH năm 2012 ra đời cho đến nay, vấn đề chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐT vẫn luôn là tâm điểm của thực hiện tự chủ đại học (TCĐH). Trước thời điểm Luật GDĐH năm 2018 được Quốc hội thông qua thì các TĐHCL vẫn có cách tiếp cận và tư duy phát triển khác nhau về HĐT. Tại một số TĐHCL, tuy đã thành lập HĐT nhưng các hội đồng này gần như chỉ là hình thức, cốt cho đủ về cơ cấu theo quy định pháp luật. Theo đó, số TĐHCL có HĐT hoạt động hiệu quả là rất hạn chế. Nguyên nhân của thực trạng trên chủ yếu do vướng mắc về thể chế và tư duy, văn hóa quản lý nhà trường không theo kịp cơ chế TCĐH.
Theo cách tiếp cận của Luật GDĐH năm 2018, khi cơ chế quản lý GDĐH được thay đổi cơ bản theo hướng loại bỏ việc kiểm soát sâu của hệ thống quản lý nhà nước vào hoạt động quản lý nội bộ TĐH để nhà trường vận hành cơ chế TCĐH một cách thực chất thì tất yếu sẽ chấm dứt tình trạng TCĐH không hiệu quả. Theo Luật GDĐH năm 2018, HĐT vừa là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu của các bên liên quan, vừa là thiết chế quyền lực cao nhất trong TĐHCL, dựa trên ba trụ cột cơ bản là quyền quyết định, quyền ban hành và quyền giám sát, cụ thể:
(1) HĐT có quyền quyết định đối với:
– Chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hằng năm của nhà trường; chủ trương phát triển nhà trường thành đại học hoặc việc sáp nhập với TĐH khác;
– Phương hướng tuyển sinh, mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng GDĐH, hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động;
– Cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của nhà trường; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí; quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật;
– Quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng TĐH; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng TĐH trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng TĐH; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức và hoạt động của TĐH quy định; tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động hằng năm của chủ tịch HĐT và hiệu trưởng TĐH; lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch HĐT và hiệu trưởng TĐH vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của TĐH;
– Chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển TĐH; chính sách học phí, hỗ trợ người học; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua báo cáo tài chính hằng năm, báo cáo quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp của TĐH;
– Chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của TĐH theo quy chế tổ chức và hoạt động của TĐH; quyết định chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi khác của chức danh lãnh đạo, quản lý nhà trường theo kết quả, hiệu quả công việc và vấn đề khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của TĐH.
(2) HĐT có quyền ban hành thể chế pháp lý và quản trị nội bộ, bao gồm: quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở của nhà trường, phù hợp với quy định của Luật GDĐH và các quy định khác của pháp luật liên quan. Đây vừa là chức năng, vừa là thẩm quyền và quyền tối cao của HĐT trong thiết kế khung pháp lý và quản trị nội bộ để điều chỉnh, quản lý và vận hành cơ chế tự chủ của nhà trường về học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính – tài sản. Với thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ này, HĐT thực sự thực thi tốt nhất sứ mệnh trụ cột của quyền lực quản trị TĐHCL.
(3) HĐT có quyền giám sát việc thực hiện quyết định của HĐT cũng như việc tuân thủ pháp luật về mọi mặt hoạt động của TĐH. Quyền giám sát này đi liền với yêu cầu về việc tuân thủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan đối với các quyết định của HĐT, thực hiện công khai, minh bạch thông tin, chế độ báo cáo, đồng thời cũng phải chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. HĐT có trách nhiệm giải trình trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, chịu sự giám sát của xã hội, cá nhân và tổ chức trong TĐH (Điều 16).
Như vậy, giá trị cốt lõi thuộc bản chất pháp lý của HĐT được thể hiện và khẳng định ở năng lực tạo ra và duy trì một cơ chế hiệu quả trong định hướng, quản trị và kiểm soát tốt nhất chất lượng mọi hoạt động giáo dục – đào tạo của nhà trường, đặt trong mối quan hệ với những thiết chế điều hành khác nhằm đáp ứng yêu cầu của TCĐH. Nó bảo đảm sự thống nhất trong nhận thức và hành động giữa thiết chế HĐT với “phần còn lại” của cả hệ thống tổ chức TĐHCL, đồng thời tạo ra vị thế cân bằng giữa quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của TĐHCL đối với các bên, qua đó bảo đảm sự dân chủ và minh bạch hóa mọi hoạt động của trường mà cộng đồng xã hội và pháp luật đòi hỏi.
Bên cạnh đó cũng tạo được sự hài hòa đối với lợi ích các bên trong môi trường GDĐH, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của TĐHCL tại thị trường đào tạo đại học trong nước, khu vực và quốc tế, góp phần kiến tạo và duy trì năng lực cạnh tranh về thương hiệu TĐH với các cơ sở đào tạo đại học khác. Đối với từng TĐHCL, xây dựng, vận hành và phát huy “sứ mạng” HĐT trong tiến trình TCĐH phải được gắn liền với việc tiếp cận đúng bản chất pháp lý, mô hình và phương thức hoạt động của HĐT theo Luật mới. Đây vừa là điều kiện, vừa là bảo đảm để thực hiện quyền TCĐH trong các cơ sở GDĐH Việt Nam tới đây.
Tầm nhìn về hội đồng trường trong trường đại học công lập theo Luật Giáo dục đại học năm 2018
Về tổng thể, HĐT được sửa đổi, bổ sung trong Luật GDĐH năm 2018 theo tầm nhìn của thiết chế có thẩm quyền quản trị cao nhất trong tổ chức TĐHCL, tiệm cận với mô hình HĐT của nhiều TĐH trên thế giới. Có hai điểm căn bản thể hiện tầm nhìn của HĐT thực quyền và đúng vị trí pháp lý trong tổ chức TĐHCL: (1) Thẩm quyền ra quyết định đối với những lĩnh vực và công việc mà về bản chất vốn thuộc thẩm quyền HĐT nhưng Luật GDĐH năm 2012 quy định do hiệu trưởng quyết định, còn theo Luật GDĐH năm 2018 thuộc quyền quyết định của HĐT; (2) Thẩm quyền đối với việc lựa chọn, quyết định, đề xuất công nhận nhân sự hiệu trưởng, người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở GDĐH theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDĐH (khoản 1 Điều 20 Luật GDĐH năm 2018). Hai điểm đó tái khẳng định “quyền lực cao nhất” của HĐT trong TĐHCL.
Tuy không phải là “sáng kiến” xây dựng pháp luật mới nhưng đối với các TĐHCL hiện nay, đây trở thành “cú hích” rất quan trọng để HĐT có thực quyền trong quản trị tổ chức bộ máy nhà trường. Các TĐHCL cần nhanh chóng tư duy chuẩn xác về việc vận hành cơ chế quyền lực giữa các thiết chế quản lý nội bộ trong nhà trường như quy định của Luật GDĐH năm 2018 để sớm triển khai các quy định đó, khẩn trương xây dựng, củng cố, ổn định nền tảng thể chế và quản lý nội bộ mới, đáp ứng điều kiện của TCĐH theo Luật mới. TĐHCL có những hoạch định đúng đắn về cơ cấu, mô hình tổ chức và hoạt động của HĐT phù hợp với đặc điểm, sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường, hình thành, củng cố hoặc xây dựng một HĐT với đầy đủ năng lực, trí tuệ, sự sáng tạo, năng động và khả năng hành động thích ứng nhất trong bối cảnh, điều kiện và môi trường TCĐH, cạnh tranh cao về cơ hội và thị phần đào tạo trong nước và quốc tế.
TCĐH khi đã được xác định là hướng phát triển tất yếu của GDĐH Việt Nam thì vấn đề xây dựng, củng cố, phát triển HĐT đối với các TĐHCL trở thành vấn đề thiết thực nếu muốn đổi mới thực chất quản lý nhà nước về GDĐH và quản lý nội bộ nhà trường. Trách nhiệm này đặt ra không chỉ với những người đứng đầu nhà trường mà còn là của mọi đơn vị, cá nhân giảng viên, nhà khoa học, học viên cũng như người lao động của nhà trường. Việc đẩy nhanh lộ trình tự chủ hoàn toàn về tài chính hiện nay tại các cơ sở GDĐH công lập Việt Nam khiến cho những do dự, chậm trễ và thiếu quyết tâm chính trị trong xây dựng mới hoặc tái cấu trúc lại HĐT trở thành rào cản đối với TĐH trong việc tập trung trí tuệ, sự sáng tạo, tinh thần cống hiến cũng như năng lực hành động, ứng phó của HĐT đối với mọi sự thay đổi và rủi ro trong TCĐH.
Thời gian tới, TĐHCL sẽ phải đối diện với hàng loạt vấn đề trong triển khai thực hiện quy định về HĐT, như xử lý vướng mắc về quy trình, thủ tục liên quan đến việc thành lập mới, thành lập lại HĐT; vấn đề xác định cơ cấu, thành phần, số lượng thành viên HĐT; vấn đề tăng cường năng lực của HĐT; lộ trình xây dựng thể chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của HĐT; việc thực thi trách nhiệm, đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của chủ tịch HĐT; một số “điểm mờ” trong thể chế pháp lý hiện hành về HĐT (áp dụng quy định đề xuất công nhận chủ tịch, thành viên HĐT, hiệu trưởng cho cơ quan quản lý trực tiếp); vấn đề đáp ứng các điều kiện tự chủ theo khoản 2 Điều 32 Luật GDĐH năm 2018… Trước hàng loạt các vấn đề này, các TĐHCL cần hành động như thế nào?
Một số giải pháp thúc đẩy hoạt động của hội đồng trường trong các trường đại học công lập
Như trên đã phân tích, Luật GDĐH năm 2018 xác định HĐT là một trong số những trọng tâm của việc cải cách quản lý GDĐH ở Việt Nam, vì đó là cơ chế quan trọng, bảo đảm sự cân bằng giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình, giữa hài hòa lợi ích các bên với tăng trưởng bền vững của TĐH, giữa đáp ứng nhu cầu dịch vụ công của Nhà nước cho xã hội với khẳng định thương hiệu đào tạo của TĐH, giữa xã hội hóa GDĐH và chức năng cung cấp tri thức, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người học. Để thực hiện được những điều này, TĐHCL cần có một số định hướng hoạt động như sau:
Thứ nhất, bảo đảm sự minh bạch trong mọi hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường. Trong xu thế dịch chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại chúng diễn ra ở bậc đại học thì TĐH không chỉ là nơi chuyển giao tri thức nhân loại đơn thuần mà còn tham gia giải quyết những vấn đề nhân sinh và xã hội hoá GDĐH. Vì vậy, với các mối quan hệ đan xen về lợi ích trong TĐHCL, vai trò quản trị, kiểm soát và hài hòa lợi ích các bên cần có sự “khách quan hóa” trong hoạt động quản lý, điều hành bộ máy quản trị nội bộ TĐHCL, từ đó bảo đảm tốt sự minh bạch của trường thông qua chức năng quản trị, đại diện cho cộng đồng sở hữu và quyền lợi các bên của HĐT.
Thứ hai, duy trì và bảo đảm sự phối hợp, thống nhất, hài hòa giữa các thiết chế quản lý nội bộ với HĐT. Về mặt pháp lý, HĐT không can thiệp vào những công việc cụ thể về quản lý và vận hành tổ chức bộ máy và hoạt động của nhà trường mà chủ yếu tập trung vào việc hoạch định, xem xét và phê chuẩn định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường, đồng thời giám sát các hoạt động quản lý của hiệu trưởng theo quy định pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, bảo đảm rằng trường đang thực hiện đúng mục tiêu, sứ mạng của mình. HĐT phải “trung thành” với lợi ích công theo đúng vai trò của cơ sở GDĐH công lập, bảo đảm sự hài hòa về lợi ích và trách nhiệm của các bên và các chủ thể liên quan1. Đây là vấn đề cốt yếu để thực hiện TCĐH theo hướng tự chủ đi liền với trách nhiệm giải trình.
Thứ ba, xây dựng, củng cố, kiện toàn HĐT cần được thực hiện theo lộ trình cụ thể và đúng quy định pháp luật, không vì cân nhắc vấn đề năng lực thực tế của HĐT cũng như của thành viên HĐT mà gây chậm trễ cho việc thành lập, tổ chức lại HĐT. Theo Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH thì thời gian tối đa dành cho các TĐH chậm nhất không quá 6 tháng kể từ thời điểm sau ngày 15/02/2020 phải có thiết chế HĐT. Hiện nay, để tránh tình trạng “trăm hoa đua nở” trong thành lập HĐT, “khung kịch bản pháp lý” về HĐT đã được Nghị định xác định như sau:
(1) Với TĐHCL bắt đầu được thành lập mới thì việc thành lập HĐT do cơ quan quản lý trực tiếp chỉ đạo, với bước đầu tiên là giao quyền hiệu trưởng để nhân sự này tham gia HĐT lâm thời, đồng thời tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức. Thời gian hoạt động của HĐT lâm thời tối đa không quá một năm, kể từ khi cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Sau thời gian đó, HĐT chính thức của trường sẽ phải được thành lập theo quy định của Luật mới.
(2) Với TĐHCL đang hoạt động nhưng chưa có HĐT thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ thời điểm sau ngày 15/02/2020, khi Nghị định số 99/2019/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thành lập HĐT.
(3) Với TĐHCL đang hoạt động và đang có HĐT thì sẽ phân biệt thành hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, những trường tính đến thời điểm 15/02/2020, nhiệm kỳ hoạt động của HĐT chỉ còn dưới 6 tháng thì nhà trường tiếp tục duy trì hoạt động của hội đồng này cho đến hết nhiệm kỳ. Song song với đó, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập HĐT của nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định pháp luật hiện hành. Trường hợp thứ hai, đến thời điểm ngày 15/02/2020, nếu nhiệm kỳ của HĐT còn từ 6 tháng trở lên và Hội đồng này đã được thành lập theo đúng quy định của Luật GDĐH năm 2018 và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì Hội đồng đó sẽ tiếp tục hoạt động đến hết nhiệm kỳ, với đầy đủ thẩm quyền quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Còn trường hợp cũng tới thời điểm ngày 15/02/2020 mà HĐT tuy đã được thành lập nhưng chưa theo đúng quy định của Luật GDĐH năm 2018 và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì trong thời hạn 6 tháng, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập HĐT của nhiệm kỳ mới để thay thế HĐT chưa tuân thủ quy định của Luật GDĐH năm 2018.
Tất cả những nội dung trên đều đặt ra trách nhiệm của tập thể lãnh đạo trong việc chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập HĐT. Tập thể lãnh đạo đề xuất và thống nhất với cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia HĐT, số lượng, cơ cấu thành viên là đại diện cơ quan quản lý trực tiếp tham gia HĐT, các thành viên đương nhiên khác của HĐT trong trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của TĐH chưa quy định; tập thể lãnh đạo cũng phải chỉ đạo thực hiện việc bầu thành viên của HĐT theo từng cơ cấu và tổ chức để các thành viên HĐT bầu chủ tịch.
Như vậy, nhiệm vụ của các TĐHCL thời gian tới là phải nghiên cứu một cách toàn diện, khoa học, với những cân nhắc, tính toán để có chiến lược thực sự tích cực, hiệu quả, có tầm nhìn về nhân sự cho vị trí chủ tịch HĐT cũng như các thành viên bầu, sao cho HĐT là kết quả của một cơ cấu khoa học, hợp lý về tỷ lệ, số lượng, chất lượng, uy tín, năng lực, ý thức và khả năng cống hiến của nhân sự bên trong và bên ngoài nhà trường tham gia vào HĐT.
Mặc dù hiện vẫn còn những quan điểm khác nhau về xu hướng thiết kế mô hình HĐT “hướng nội” hay “hướng ngoại” song câu hỏi chính mà TĐHCL phải “giải mã” là thành viên HĐT cần có những năng lực và phẩm chất gì? Nhiều nghiên cứu cho thấy, năng lực quan trọng nhất của thành viên HĐT chính là khả năng khái quát hoá, khả năng phân tích bối cảnh, nhận diện, đánh giá và tương tác với người khác trên tinh thần xây dựng, sáng tạo và khả năng học hỏi. Khả năng khái quát hoá cho phép thành viên HĐT nhìn ra được bối cảnh lớn hơn, với một tầm nhìn xa hơn.
Tương tự, khả năng phân tích bối cảnh giúp thành viên HĐT có thể xem xét và đánh giá đúng những vấn đề của nhà trường trong mối tương quan với những nhân tố bên trong lẫn bên ngoài. Còn khả năng đánh giá con người và tương tác hiệu quả giúp cho thành viên HĐT lựa chọn đúng những người điều hành và có thể hợp tác được với những người ấy. Khả năng học hỏi cho phép người đảm nhiệm nhiệm vụ thành viên HĐT có thể thay đổi cách suy nghĩ và hành động trên cơ sở những thông tin mới, những thay đổi thường xuyên, bất thường của hoàn cảnh. Đây chính là sự hội tụ của năng lực dành cho người làm chiến lược, vốn là vị trí thực sự của thành viên HĐT. Họ là người hoạch định, xây dựng nguyên tắc, hệ thống giá trị và đánh giá, giám sát những hoạt động của thiết chế hiệu trưởng cũng như các bộ phận khác trong nhà trường.
Quan trọng hơn nữa, các TĐHCL cần cân nhắc việc thành viên tham gia HĐT phải là những người hiểu rõ về thực tế nhà trường, về quản lý TĐH, có đủ kiến thức để vận hành TĐH và phương pháp để đạt được mục tiêu mà trường đã định. Về bản chất, thành viên HĐT phải gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích chung của nhà trường. Đây là lý giải tối giản nhất cho quan điểm HĐT nên có số lượng và cơ cấu nghiêng về thành viên bên trong của TĐH, nhất là trong bối cảnh TCĐH hiện nay. Trên hết, tính chuyên nghiệp cũng như quyền thụ hưởng chế độ xứng đáng với vị trí, năng lực cống hiến của thành viên HĐT là điều mà các TĐHCL cần hướng đến trong thực tế vận hành HĐT thời gian tới.
Chú thích:
1. Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giáo dục đại học ngày 15/01/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (kèm theo Tờ trình số 12/TTg-BGDĐT ngày 15/01/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Tài liệu tham khảo:
1. Bruneau William, Grosjean Garnet, Schuetze Hans G. University governance and reform – Policy, fads and experience in international perspective, Palgrave Macmillan, United States, 2012.
2. Fielden John, Global trends in university governance, The World Bank, United States, 2008.
3. Phạm Thị Lý. Hội đồng trường trong vấn đề quản trị đại học ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học giáo dục, số 137, tháng 2/2017.
4. Lâm Quang Thiệp. Hội đồng trường trong các cơ sở giáo dục đại học công lập ở nước ta. Báo cáo thường niên giáo dục Việt Nam, 2012.
ThS. Nguyễn Tuấn Hưng
Trường Đại học Y Hà Nội